Bộ khuyếch đại tạp âm thấp (Low Noise Amplifier – LNA) được sử dụng cải thiện độ lợi khi thu tại một dãy tần số xác định. LNA thường được dùng trong vô tuyến vệ tinh vì tín hiệu thu được tại mặt đất thường yếu và nhiều tập âm khi đi qua bầu khí quyển trái đất, ngoài ra LNA cũng dùng cho các dãy tần số khác nhau để tăng độ lợi trước khi đưa đến máy thu xử lý tín hiệu.

Trong bài viết hôm nay, T17Lab sẽ giới thiệu đến bạn đọc LNA4ALL được sử dụng phổ biến trong cộng đồng người dùng SDR, bọn mình cũng đã mua về thử nghiệm và chia sẻ đến các bạn. LNA4ALL sử dụng thiết kế từ PSA4-5043+ LNA được sản xuất bởi Adam 9A4QV tại Croatia. LNA4ALL được cộng động và nhiều nhóm nghiên cứu SDR sử dụng vì giá thành tương đối rẻ (so với nước ngoài thôi, so với Việt Nam đồng cũng không rẻ lắm :v), tương thích với các loại SDR phổ biến hiện nay như RTL-SDR, HackRF, Airspy,… và có thể làm việc với nhiều dãy tần số khác nhau.

Tại sao phải dùng LNA:

Một số lý do bạn nên có một thiết bị LNA khi thu vô tuyến:

  • Giúp thiết bị của bạn thu được tín hiệu ở khoảng cách xa hơn,
  • Tăng cường độ lợi của tín hiệu,
  • Giúp ăn-ten của bạn hoạt động được tốt hơn.

Thông tin mua và một vài thông số:

  • Xem danh mục các LNA tại http://lna4all.blogspot.com/ và email trực tiếp với tác giả để mua hàng, thanh toán qua PayPal, vận chuyển qua đường bưu điện. Mạch được gói trong bao bì có bảo vệ bằng túi bóng xốp, không có tài liệu hoặc hướng dẫn đính kèm. Trao đổi qua mail với tác giả phản hồi khá nhanh và chi tiết, nên các bạn không lo ngại vấn đề mất hàng hoặc bị lừa tiền gì cả.
  • T17Lab đã đặt hàng 02 x LNA assembled with 2 x SMA (20 euro mỗi cái) + bias-T enable (3 euro mỗi cái) + phí vận chuyển (7 euro) = 53 euro
  • Dây chuyển SMA 2 đầu cái, kim trong mua tại Nhật Tảo. Do LNA sử dụng 2 đầu SMA đực – lỗ trong do vậy bạn cần đầu kết nối SMA cái – kim trong để có thể kết nối với ăn-ten mặc định của RTL-SDR hoặc HackRF.
  • LNA4ALL hoạt động từ dãy tần số 28MHz đến 2500MHz

Chú ý: nếu bạn là người mới, hãy xem kỹ các tính năng của LNA được bán tại trang web vì nó có thể thêm bớt một số tính năng và giá thành cũng sẽ thay đổi. Mạch LNA mặc định dùng nguồn DC 6-9V, không có cổng kết nối LNAkhông có Bias-T, phù hợp cho người dùng về tinh chỉnh cho mục đích cá nhân. Nếu là người không chuyên, bạn nên mua LNA đã được điều chỉnh phù hợp cho thiết bị SDR mà bạn đang sử dụng; ví dụ tôi đang dùng RTL-SDR thì sẽ mua LNA với các điều chỉnh bao gồm: Bias-T, 2 cổng SMA đực.

Người mua cần tham khảo các cấu hình LNA phù hợp tại website hoặc email trực tiếp trao đổi yêu cầu với tác giả
Mạch LNA4All được sản xuất và bán bởi Adam 9A4QV

Bias-T là gì? tính năng cho phép máy thu truyền dòng điện thông qua cáp tín hiệu và cấp nguồn cho bộ tiền khuyếch đại hoạt động. Người dùng không cần cấp thêm nguồn điện từ ngoài vào để nó có thể hoạt động với RTL-SDR và LNA nên được đặt vị trí gần với ăn-ten thu.

Đặt LNA tại vị trí nào? Bạn nên đặt LNA gần vị trí ăn-ten, nếu ăn-ten kết nối đến LNA qua dây cáp có thể làm tăng nhiễu trên cáp tín hiệu. Trên LNA đầu IN sẽ kết nối với ăn-ten và OUT sẽ kết nối với bộ máy thu, trường hợp này là RTL-SDR.

Những điều bạn không nên làm?
Bạn không nên kết nối LNA4ALL đã được bật Bias-T với một máy thu không hỗ trợ Bias-T, việc này sẽ làm cháy thiết bị thu của bạn.
Không bao giờ được kết nối bộ thu rtl-sdr trưc tiếp với một ăn-ten (DC short antenna) mà không sử dụng một LNA phù hợp, nó sẽ ngắt cầu chì bảo vệ trên thiết bị mà làm cháy mạch. Ví dụ về DC short antenna: ăn-ten QHF, ăn-ten lưỡng cực gấp (folded dipoles),…

Một số thử nghiệm sử dụng phần mềm SDR#

Nhiễu nền được giảm đáng kể, các vùng nhiễu xung quanh cũng được hạn chế

Các thử nghiệm trên các tần số khác sẽ tiếp tục được cập nhật trong bài viết này…